10 Lỗi Thường Gặp Khi Làm Sản Phẩm Resin Đối Với Người Mới Bắt Đầu

Làm việc với nhựa epoxy rất đơn giản, chỉ cần bạn làm theo một vài bước cơ bản.

Mặc dù sai sót về lỗi kỹ thuật có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế bớt các lỗi cơ bản.

Dưới đây là 10 lỗi thường gặp nhất khi làm việc với nhựa epoxy:

  1. Đo lường không chính xác
  2. Trộn chưa đều
  3. Nhiệt độ lạnh
  4. Không kiểm tra thử nghiệm trước
  5. Công tác chuẩn bị chưa tốt
  6. Thêm quá nhiều chất tạo màu
  7. Để nhựa trong cốc quá lâu sau khi trộn
  8. Để bụi bẩn bám vào khi resin chưa cứng hoàn toàn
  9. Không xử lý kỹ bong bóng khí trong resin
  10. Khò nóng quá nhiều

Nhựa Epoxy có 2 thành phần: Nhựa (Epoxy resin - A) và chất làm cứng (hardener - B). Khi trộn hai phần này theo hướng dẫn, phản ứng hóa học xảy ra làm cho hỗn hợp lỏng đóng rắn thành chất rắn. Lỗi thường xảy ra khi phản ứng hóa học này bị gián đoạn hoặc khi không tuân thủ các phương pháp tốt nhất. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những điều cần lưu ý khi làm việc với resin để đảm bảo một kết quả tốt.

1. Không đong lường chính xác

Luôn đong theo hướng dẫn của công ty sản xuất hoặc nhà cung cấp. Trên thị trường có nhiều loại keo, tuỳ vào tính ứng dụng và công thức sản xuất của từng loại mà tỉ lệ pha có thể khác nhau. Ví dụ: Keo mã LRAB-212 của Công ty Hoá Chất Long Vũ là keo pha tỉ lệ trọng lượng 2A:1B, mã LRAB-312 là keo pha theo tỉ lệ trọng lượng 3A:1B. Để có kết quả tốt nhất, hãy sử dụng cân tiểu ly điện tử để đong keo pha theo tỉ lệ trọng lượng hoặc cốc có chia vạch để đong loại keo pha theo thể tích. Nếu đong sai tỉ lệ, nhựa và chất làm cứng sẽ không thể phản ứng đúng cách. Vì lý do này, đừng bao giờ thêm nhiều chất làm cứng vì nghĩ rằng nó sẽ làm cho nhựa đông cứng nhanh hơn hoặc cứng hơn - bạn sẽ chỉ nhận được một mớ hỗn độn không như mong muốn.

Không bao giờ trộn nhựa resin và chất làm cứng từ các nhãn hiệu khác nhau: một số loại nhựa được pha chế để cân theo trọng lượng và một số loại được pha chế để đong theo thể tích. Nhựa và chất làm cứng của một thương hiệu được pha chế đặc biệt để hoạt động cùng nhau và không thể thay thế cho sản phẩm của một thương hiệu khác.

 

2. Không trộn kỹ

Trộn trong ít nhất 3 phút: nếu nhựa và chất làm cứng không được trộn đều, phản ứng hóa học không thể xảy ra và hỗn hợp sẽ không đóng rắn. Trộn kỹ, trong ít nhất 3 phút. Tuy nhiên, bạn không cần phải đánh quá mạnh tay, nếu không bạn sẽ tạo ra nhiều bong bóng khí trong keo hơn mức cần thiết. Thay vào đó, hãy khuấy từ từ - bạn sẽ nhận được một số bong bóng, nhưng bạn có thể xử lý bằng máy thổi hơi nóng hay khò lửa sau đó.

Đánh kỹ ở thành & đáy cốc khi bạn khuấy để đảm bảo trộn được nhiều sản phẩm nhất có thể. Tuy nhiên, khi bạn đổ hỗn hợp resin ra nên tránh việc cạo các phần ngay thành & đáy. Đây là những vị trí mà có thể keo không được trộn đều và dễ dẫn đến nó bị không cứng khi thành phẩm

3. Nhiệt độ quá lạnh

Khi ở nhiệt độ qúa thấp, resin sẽ bị đặc lại, khó thi công và vẫn đục vì nhiều bong bóng khí. Nếu resin của bạn quá lạnh hãy ngâm nó vào nước ấm (nắp chai nên mở ra) trước khi bạn đong và trộn keo. Trên thực tế, bạn có thể ngâm resin và đóng rắn vào nước ấm mỗi lần, bất kể chai có lạnh hay không. Nó giúp resin loãng ra và dễ làm hơn trong mọi trường hợp. Lưu ý rằng nhiệt độ cao hơn thúc đẩy quá trình đóng rắn nhanh hơn, vì vậy việc hâm nóng resin có thể cắt ngắn thời gian làm việc của bạn khoảng 10 phút.

Nhiệt độ tốt nhất để làm các sản phẩm resin là 75-85 F hoặc 24-30 C và phải ổn định ở nhiệt độ đó trong 24 giờ đầu tiên của quá trình đóng rắn. Nếu phòng quá lạnh hoặc nhiệt độ giảm đáng kể, nhựa có thể cứng lại với các khuyết điểm trên bề mặt hoặc có thể không cứng chút nào.

4. Không thử nghiệm đầu tiên

Khi nghi ngờ, hãy kiểm tra: chúng tôi luôn khuyên bạn nên làm thử nghiệm để bạn biết chính xác những gì mong đợi. Resin có thể sẽ làm cho màu sắc trông tối hơn, giống như khi chúng bị ướt: để cho bạn ý tưởng, hãy dùng một ít nước phủ lên trên để xem màu sắc có thay đổi hay không. Giấy mềm, xốp, ảnh mờ và vải có thể hấp thụ resin, vì vậy tốt nhất bạn nên thử trước trên một mảnh vụn. Bạn có thể cần phải phủ một (hoặc một số) lớp keo trám trét trước khi đổ keo.

Kiểm tra độ tương thích của chất tạo màu: khi được thêm vào nhựa, một số chất tạo màu (đặc biệt là một số loại sơn acrylic) thực sự có thể kích hoạt nhựa đóng rắn sớm, vì vậy chúng tôi luôn đề nghị thử nghiệm một lượng nhỏ trước để đảm bảo không có phản ứng. Tốt hơn hết, hãy sử dụng chất tạo màu được thiết kế đặc biệt để sử dụng với resin như các loại  Màu Pha Resin của chúng tôi tại đây.

5. Công tác chuẩn bị chưa tốt

- Đảm bảo tác phẩm của bạn khô và không có bụi: Nên có các tấm che chắn để bảo vệ sản phẩm trong quá trình đóng rắn. Tránh để bụi bẩn, côn trùng bay vào.

- Nếu sản phẩm của bạn cần dùng đến các nguyên liệu như than củi, phấn màu, giấy mềm hoặc bất cứ thứ gì khác có thể thấm ướt hay chảy, hãy dùng các loại keo bít, trám trét phù hợp để xử  lý trước. Tương tự, các vật liệu hữu cơ như gỗ và giấy có thể giải phóng không khí vào nhựa (ở dạng bong bóng khí), nên bạn xử lý quét lớp keo mỏng hoặc trám trét trước khi thực hiện đổ resin. Như vậy sẽ hạn chế bọt khí sinh ra từ nguyên vật liệu.

- Chuẩn bị bề mặt làm việc của bạn: bảo vệ bề mặt làm việc của bạn bằng một tấm nhựa, lót sàn bằng khăn vải và đảm bảo không gian làm việc của bạn không có bụi hoặc mảnh vụn. Chuẩn bị tốt sẽ tiết kiệm cho bạn nhiều thời gian và giúp bạn có sản phẩm đẹp hơn

6. Thêm quá nhiều chất tạo màu

Quá nhiều chất tạo màu có thể làm gián đoạn quá trình đóng rắn của nhựa: cho dù bạn sử dụng chất tạo màu dạng lỏng hay bột, việc thêm quá nhiều sẽ khiến nhựa của bạn không thể đóng rắn. Nguyên tắc chung là sử dụng 3% tổng khối lượng nhựa và chất làm cứng kết hợp. Ví dụ, 300G epoxy resin + 100G chất làm cứng = 400G tổng số yêu cầu không quá 12G chất tạo màu. Bạn thường không cần nhiều chất tạo màu, vì vậy hãy luôn bắt đầu với một lượng ít và thêm nhiều hơn nếu cần.

7. Để nhựa trong cốc quá lâu sau khi trộn

Đổ nhựa sau khi trộn: sau khi trộn resin và chất làm cứng, bạn có thể nhận thấy rằng hỗn hợp có cảm giác ấm. Đó là do phản ứng hóa học giữa hai phần sinh ra nhiệt. Trên thực tế, trừ khi hỗn hợp được trải ra trên một diện tích bề mặt lớn hơn, nếu không nó sẽ tiếp tục nóng lên và thậm chí có thể đóng rắn sớm trong cốc nếu để quá lâu. Nên sau khi trộn nhựa nếu kiểm tra thấy hỗn hợp bắt đầu ấm lên thì nên đổ liền. Không nên để quá lâu trong cốc, nhựa sẽ đóng rắn nhanh hơn và thậm chí sinh nhiệt, sủi bọ, cháy keo,..

8. Bụi trong thành phẩm

Sử dụng tấm che bụi: không có gì tệ hơn việc kiểm tra sản phẩm của bạn vào ngày hôm sau chỉ để phát hiện rằng bụi đã đóng lại ngay vào nhựa, thậm chí là côn trùng, thằn lằn hay chuột. Cách tốt nhất để bảo vệ sản phẩm của bạn khỏi bụi trong quá trình đóng rắn là đặt một hộp các tông hoặc một hộp nhựa lên trên. Trước khi đổ nhựa, hãy lau sạch khu vực làm việc của bạn và phun không khí bằng nước trong bình xịt để giúp giảm bụi trong không khí.

9. Bọt khí trong thành phẩm

 Dùng khò lửa để loại bỏ bong bóng khí: hơ nhanh bằng khò lửa là cách tốt nhất để loại bỏ bọt khí. Bạn có thể sử dụng máy sấy tóc hoặc máy thổi hơi nóng để làm keo loãng hơn.

Không đổ quá dày: Nếu bạn đổ lớp mỏng thì bạn dễ dàng xử lý các bọt khí bằng khò lửa (hoặc máy thổi hơi nóng). Nếu bạn đổ quá dày rất khó để xử lý các bọt khí bên dưới. Và các bọt khí đó cũng rất khó để nổi lên trên để tự thoát ra ngoài. Việc đổ quá dày cũng làm phản ứng khô keo xảy ra nhanh hơn, đồng nghĩa với việc các bọt khí sẽ có ít thời gian hơn để thoát ra. Nên hãy đổ lớp mỏng và đổ nhiều lớp cho đến khi đạt độ dày mong muốn.

Có nhiều cách để xử lý bọt khí, hãy tham khảo tại video này:

 

10. Khò lửa quá mức

Thường xảy ra khi bạn dùng khò lửa để xử lý bọt khí nhưng để quá gần bề mặt hoặc giữ quá lâu ở một điểm. Khò quá kỹ có thể tạo ra vết lõm hoặc gợn sóng và thậm chí có thể khiến resin bị vàng sớm. Vậy nên: giữ khò lửa cách bề mặt vài inch sao cho ngọn lửa chỉ phả vừa vào resin. Bạn sẽ thấy những bong bóng khí biến mất ngay lập tức - nếu không, bạn có thể di chuyển đến gần hơn một chút. Giữ cho dụng cụ khò di chuyển qua lại trên toàn bộ bề mặt, như thể bạn đang ủi quần áo.

Tags: